image banner
Công chức, viên chức và người lao động ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường khai báo y tế điện tử trên các phần mềm: http://tokhaiyte.vn, NCOVI, Bluezone để phòng, chống dịch Covid-19 
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
TRƯỜNG THCS HIỆP BÌNH ÔN LẠI TRUYỀN THỐNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11
Hoà chung với không khí vui tươi, của cả nước đang hướng về ngày lễ tri ân, hôm nay trường THCS Hiệp Bình tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11/1982-20/11/2022 để ôn lại truyền thống tốt đẹp của thầy cô giáo.

TRUYỀN THỐNG NGÀY 20-11

        Kính thưa: Quý đại biểu, thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh !

        Hoà chung với không khí vui tươi, của cả nước đang hướng về ngày lễ tri ân, hôm nay trường THCS Hiệp Bình tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11/1982-20/11/2022 để ôn lại truyền thống tốt đẹp của thầy cô giáo;

        Trước hết xin gửi lời kính chúc quý thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh lời chúc sức khỏe tốt đẹp nhất;      

        Kính thưa quý đại biểu, thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến !

        Lịch sử ra đời ngày nhà giáo Việt Nam gắn liền với lịch sử của tổ chức giáo giới tiến bộ trên thế giới. Dấu ấn thời gian ấy đã đi vào lịch sử, đó là niềm tự hào và vinh dự của giới giáo chức. Để thấy rõ hơn tầm quan trọng và ý nghĩa đó, nhân ngày lễ trọng đại hôm nay, thay mặt CBGV, NV trường tôi xin điểm lại những mốc son lịch sử quan trọng của Ngày nhà giáo Việt Nam như sau:

        Vào tháng 7/1946 liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục được thành lập, đến năm 1949 tại hội nghị ở VacSaVa (Thủ đô của Ba Lan) xây dựng một bản hiến chương các nhà giáo, trong đó có một số nội dung chủ yếu như: Đấu tranh chống lại mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản phong kiến, nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ khoa học và quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt là nêu cao nghề dạy học và người dạy học.

Tháng 8/1954 tổ chức công đoàn của các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên toàn thế giới đã nhất trí thông qua bản Hiến chương các nhà giáo. Ngày 30 tháng 8 năm 1957 tại thủ đô Vác Xa Va. Hội nghị quốc tế các tổ chức của các nhà giáo trên toàn thế giới đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo.

Vào ngày 25/11/1958 lần đầu tiên ngày ''Hiến chương quốc tế các nhà giáo'' được tổ chức trên toàn Miền Bắc nước ta. Những năm sau đó còn được tổ chức các vùng giải phóng. Sau khi đất nước thống nhất, được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống của giáo giới Việt Nam. Hằng năm, Bộ giáo dục và Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam đều hướng dẫn chỉ đạo tổ chức ngày 20/11 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương, các trường học, học sinh, cha mẹ học sinh các đoàn thể xã hội đã quan tâm tổ chức ngày 20/11 bằng nhiều hoạt động phong phú.

Ngày 20/11 hàng năm là ngày biểu dương nghề dạy học và những người dạy học - củng cố lòng yêu nghề của các nhà giáo. Là dịp để học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội thể hiện tình cảm biết ơn và có tin thần trách nhiệm đối với các nhà giáo, đồng thời còn là ngày biểu dương tinh thần hữu nghị giữa các nhà giáo tiến bộ của các nước trên thế giới. Do tính chất và mục đích của tổ chức ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo, ngày 20/11 ở nước ta đã có những thay đổi cơ bản. Theo nguyện vọng của các nhà giáo và nhân dân, chấp nhận đề nghị của Bộ giáo dục - Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam hội đồng bộ trưởng (nay là chính phủ) đã ra quyết định 167-HĐBT ngày 28/9/1982: lấy ngày 20/11 là ngày truyền thống nhà giáo Việt Nam. Ngày nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tổ chức trọng thể vào ngày 20/11/1982 tại hội trường Ba Đình Hà Nội. Từ đó cho đến nay ngày nhà giáo Việt Nam đã được Đảng Nhà nước chỉ đạo tổ chức trọng thể hằng năm.

Kính thưa quý đại biểu, thầy cô giáo, các em học sinh thân mến !

Sứ mệnh của nhà giáo là truyền thụ cho thế hệ trẻ những tinh hoa của dân tộc, tri thức của nhân loại. Theo dòng lịch sử ta thấy, giáo giới Việt Nam đã hun đúc lên những tâm hồn Việt Nam qua các thời đại, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc. Tuyền thống nổi bật của các thế hệ thầy giáo Việt Nam là có lòng nhân ái sâu sắc, được xuất phát từ tình yêu thương con người, đem hiểu biết của mình chăm lo, dạy bảo con em để biết đạo lý làm người, phát triển trí tuệ giúp ích cho xã hội, cho đất nước.

Lịch sử Viêt Nam đã chứng minh: những nhà giáo chân chính bao giờ cũng là người yêu nước thương dân, hoạt động dạy học bao giờ cũng gắn liền với hoạt động cách mạng giải phóng dân tộc, luôn đứng về phía nhân dân lao động, đấu tranh chống lại những thế lực bạo ngược bất công. Nhân dân ta vốn có truyền thống "Tôn sư trọng đạo" có nghĩa là yêu đạo nghĩa, kính trọng thầy giáo. Nét đẹp truyền thống này nói lên đạo đức mẫu mực, nhân phẩm thanh cao và trong sáng.   

Dưới chế độ phong kiến, nhiều nhà giáo đã không tự ràng buộc mình trong quan niệm "Trung quân- ái quốc" không màng danh lợi, không chuộng hiển vinh, đã khước từ làm quan để dạy học, sống thanh đạm như Võ Trường Toản, như Chu Văn An, như Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, trong hàng ngũ những người đi đầu chống Pháp luôn có mặt các nhà giáo như Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Văn Nghị - Tống Duy Tân - Nguyễn Quyền - Lương Văn Can - Phan Bội Châu ... Ở cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị thực dân Pháp bắt và tử hình tại Hóc Môn ngày 28/8/1941 là các thầy giáo Phan Đăng Lưu - Hà Huy Tập - Võ Văn Tần - Nguyễn Hữu Tiến. Không lùi bước trước khó khăn và hiên ngang bất khuất trước kẻ thù, tiêu biểu như thầy Trần Phú, Phan Ngọc Hiển và còn rất nhiều thầy cô giáo khác đã nêu tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của Đảng và dân tộc ta, người chiến sĩ lỗi lạc trong phong trào cộng sản quốc tế, danh nhân văn hoá thế giới, đã bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình từ nghề dạy học. Đó là thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) năm xưa.

Ngày nay, mặc dù cuộc sống của giáo giới phần nào được cải thiện, song cũng còn nhiều khó khăn, nhưng thầy cô giáo vẫn luôn giữ gìn và tô đậm thêm tính chuẩn mực, đạo đức và gắn bó với nghề. 

Đánh giá về nhà giáo Việt Nam lúc sinh thời Bác Hồ nói "Các thầy giáo cô giáo là những chiến sĩ vô danh'' và "Không có thầy giáo không có giáo dục, không có giáo dục không có cán bộ, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hoá”. Trong quá trình thực hiện tư tưởng cách mạng của Đảng ta, đã có hàng trăm thầy cô giáo được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động, nhà giáo nhân dân, hàng nghìn nhà giáo được phong tặng nhà giáo ưu tú, được tặng huy chương vì sự nghiệp giáo dục.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm coi trọng công tác giáo dục và xem giáo dục là quốc sách, đã và đang thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Kế thừa truyền thống vẽ vang của Nhà giáo, trên quê hương Tân Đức có rất nhiều thầy giáo đi đầu trong phong trào giáo dục của địa phương, đã cống hiến nhiều công sức cho sự nghiệp giáo dục trong thời chiến và thời bình, điển hình như:

 Thầy: Huỳnh Ngọc Châu; Thầy Trương Mã Xe; thầy Lương Văn Minh; Thầy Ngô Ngọc Ẩn; Thầy Trần Văn Huấn; thầy Phạm Hữu Hội; Thầy Trịnh Thành Tâm; Thầy Tiêu Công Lan; Thầy Phù Anh Kiệt; thầy Nguyễn Trung Tính; Thầy Ngô Bình An, Thầy Tạ Văn Chanh, Thầy Lê Thanh Khiết...

Hiện có thầy đã mất hoặc nghĩ hưu, có thầy đang công tác như thầy Nguyễn Trung Tính; Thầy Tạ Văn Chanh, Thầy Ngô Bình An phụ trách hội cựu giáo chức, hội khuyến học xã Tân Đức. Cho dù ở cương vị nào vẫn luôn mẫu mực và thể hiện phẩm chất đạo đức cao quý của mình, đem hết sức mình cống hiến cho tổ chức Đảng, Nhà nước và xã hội, chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái thành đạt và luôn được mọi người quí trọng.

Thay mặt cho toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên công tác giáo dục trong toàn xã Tân Đức nói chung và trường THCS Hiệp Bình nói riêng - những người đang tiếp bước truyền thống của quê hương, xin phép được bài tỏa lòng tôn kính và tri ân đến các bậc cha anh đã có những công lao to lớn, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của quê hương Tân Đức ngày càng phát triển và vững bước như hôm nay.

Xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo xa quê, hiện đang công tác tại trường THCS Hiệp Bình đã khắc phục khó khăn đến công tác và gắn bó ở địa phương, đã có nhiều công sức đóng góp trong giảng dạy và giáo dục, cùng chung sức chung lòng với chúng tôi trong thời gian qua, mỗi thầy cô chính là mỗi tấm gương sáng cho các đồng nghiệp, cho học sinh và nhân dân địa phương noi theo.

Kính thưa quí đại biểu, ngày 20/11 hằng năm là dịp để các thầy cô giáo cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành nghề mình để trân trọng, tự hào, để chắp thêm lòng yêu nghề, yêu người, tôn trọng đạo lý, nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc trồng người mà Đảng Nhà nước và nhân dân giao cho, góp phần giữ gìn phát triển phẩm giá người thầy thêm trong sáng, thanh cao, phong phú, sinh động, tạo nên vị thế mới cùng với toàn Đảng, toàn Quân và dân thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước; xây dựng thành công CNXH thực hiện mục tiêu của Đảng đã đề ra.

        Với các em HS, ngày 20/11 là dịp để các em bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với các thầy cô giáo - người đã chắt chiu công sức, trí tuệ chăm lo dạy bảo các em nên người, vun đắp cho các em những ước mơ, hoài bão, bay cao và vươn xa trong tương lai.

"Ai nâng cánh ước mơ cho em

          Là thầy cô dạy dỗ ngày đêm

          Ai dạy dỗ chúng em nên người

          Là thầy cô em ghi nhớ suốt đời "

          Mỗi thầy cô giáo ai ai củng mong muốn các em luôn chăm ngoan, học giỏi, học kiến thức đi đôi với rèn luyện tư tưởng đạo đức, có văn hóa ứng xữ và thích ứng môi trường mới giữ gìn truyền thống tôn sư trọng đạo.

Với các bậc phụ huynh HS, ngày 20/11 đến là dịp thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với con em, đối với nhà trường và tình cảm chân thành với những người đảm đương công việc dạy dỗ trực tiếp con em mình đạo lý làm người, trang bị cho con em mình những tri thức bước vào cuộc sống.

          Với cấp uỷ Đảng, chính quyền đoàn thể địa phương, ngày 20/11 đến là dịp để đánh giá, ghi nhận những đóng góp của nhà trường, của các thầy cô giáo với sự nghiệp nâng cao dân trí, phát triển nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực để góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương. Đồng thời thể hiện sự quan tâm lãnh đạo cụ thể, trực điếp của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, với nhà trường, với các thầy cô giáo. Nhân dịp ngày vui hôm nay cho phép tôi thay mặt toàn thể CBGV, NV công tác tại địa phương xã Tân Đức, xin chân thành cảm ơn các cấp cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các bậc phụ huynh trong thời gian qua đã quan tâm và dành cho đội ngũ thầy cô giáo những tình cảm trong sáng thiên liên, quý giá nồng ấm, đặc biệt đã đến dự buổi lễ tràn đầy ý nghĩa như hôm nay.

Chúng tôi xin hứa sẽ khắc phục mọi khó khăn, thách thức, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao tay nghề giữ gìn và phát huy truyền thống, phẩm chất, đạo đức cao đẹp của nhà giáo, phấn đấu nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác, nâng cao chất lượng dạy và học, giữ vững niềm tin mà Đảng, Nhà nước giao cho.

Một lần nữa xin gửi lời chúc sức khỏe toàn thể quí đại biểu, thầy cô giáo cùng các em học sinh, chúc buổi lễ thành công, đầm ấm và tràn đầy ý nghĩa.

 Xin chân thành cảm ơn !

Sau đây là một số hình ảnh nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11

anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
Tác giả: Lê Văn Nhiệm
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image

2022 © Trường THCS Hiệp Bình
Điện thoại: 0919789843
Email: c2hiepbinh.pgddamdoi@camau.edu.vn
Địa chỉ: Ấp Tân Bình - Xã Tân Đức - Huyện Đầm Dơi - Tỉnh Cà Mau

Đăng nhập hệ thống